Đêm 23/6, giá Bitcoin lên trên 31.400 USD mỗi đồng – cao nhất kể từ tháng 5/2022. Giá sau đó đi xuống, hiện quanh 30.700 USD.
Bitcoin hiện là tiền số lớn nhất thế giới về vốn hóa. Đầu tuần này, giá Bitcoin lên trên 30.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 4 – thời điểm nhà đầu tư toàn cầu gấp rút tìm kênh đầu tư an toàn sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Diễn biến giá Bitcoin trong một năm qua
Đợt tăng lần này có thể là do hàng loạt đại gia tài chính quan tâm đến tiền số. Theo Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), BlackRock - gã khổng lồ trong lĩnh vực quản lý tài sản toàn cầu - tuần trước nộp đơn đăng ký thành lập một quỹ ETF Bitcoin. Sàn giao dịch tiền số EDX Markets - được các đại gia tài chính Charles Schwab, Fidelity Digital Assets và Citadel chống lưng – cũng hoạt động từ tuần này.
Trên Twitter, nơi diễn ra rất nhiều cuộc thảo luận về tiền số, một số người dùng cho rằng FOMO - nỗi sợ bị bỏ lỡ, là một phần nguyên nhân của đợt tăng giá gần đây. Một số nhà đầu tư nhảy vào thị trường vì họ đang thấy những người khác gặt hái lợi ích từ đợt tăng giá đang diễn ra và muốn tham gia vào nó.
Năm nay, giá Bitcoin đã tăng 87%. Nhà đầu tư kỳ vọng khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ sẽ buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất. Từ trước đến nay, họ vẫn lý luận rằng tiền số này sẽ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và là kênh trú ẩn khi ngành tài chính truyền thống biến động.
Dù vậy, giới chức Mỹ gần đây cũng siết kiểm soát lĩnh vực tiền số. Đầu tháng này, SEC kiện Coinbase – sàn tiền số lớn nhất Mỹ và Binance – sàn tiền số lớn nhất thế giới. Cả hai công ty bị cáo buộc vi phạm nhiều quy định về chứng khoán và giao dịch.
Giá Bitcoin hiện cũng kém xa mức đỉnh hơn 60.000 USD năm 2021. Năm ngoái, tiền số này chịu tác động mạnh từ các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Thị trường tiền số cũng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt tên tuổi, từ stablecoin TerraUSD, quỹ đầu tư mạo hiểm Three Arrows Capital đến sàn giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried.
Chưa kể, tiền số đang phải đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan quản lý. SEC vẫn luôn duy trì quan điểm giám sát chặt hơn thị trường này sau nhiều trường hợp lừa đảo và thất bại của các công ty từng được ca ngợi một thời.
Khối lượng giao dịch thấp cũng là nguy cơ không nhỏ. Trong tháng 5, tổng khối lượng giao dịch giao ngay và giao dịch phái sinh trên các sàn giao dịch tập trung đã giảm hơn 15% xuống còn 2.400 tỷ USD, theo CCData. Chỉ riêng khối lượng giao dịch giao ngay đã giảm gần 22%, ghi nhận mức thấp nhất hàng tháng kể từ tháng 3/2019.
Người Tiêu Dùng Việt - nguoitieudungviet.vn/ All Right Reserved
Người Tiêu Dùng Việt - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
Nguoitieudungviet.vn giữ bản quyền trên website này
Email: mediavietnam9999@gmail.com